Vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ nhiệm vụ thu NSNN

Đó là đánh giá của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2023 và triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2024 của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh tổ chức chiều ngày 26/12.

Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn ghi nhận và biểu dương thành tích vượt qua khó của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã đạt được trong năm 2023.

Tham dự Hội nghị còn có Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng, đại diện lãnh đạo các sở, ban, nganh TP Hồ Chí Minh, Lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Tổng cục Thuế, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nam Bình, lãnh đạo các đơn vị, phòng, Chi cục Thuế thuộc Cục Thuế TP Hồ Chí Minh.

Nổ lực hoàn thành nhiệm vụ thu

Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nam Bình cho biết, năm 2023 Cục Thuế đã triển khai nghiêm Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, tranh thủ sự hỗ trợ, phối hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương, của các Sở, Ngành trong công tác quản lý thuế trên địa bàn. Cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị triển khai kịp thời các Nghị quyết, chính sách về thuế của Quốc hội, Chính phủ để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người nộp thuế phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Song song với việc triển khai tốt các biện pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, Cục Thuế cũng đã thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp quản lý thuế như quản lý chặt chẽ nguồn thu, tăng cường công tác quản lý thu qua công cụ kiểm soát rủi ro, tăng cường chống thất thu ngân sách gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, tăng cường quản lý nợ thuế, đẩy mạnh quản lý nội ngành. Nhờ đó, kết quả thu do cơ quan thuế quản lý năm 2023 ước đạt 323.670 tỷ đồng, bằng 100% so với dự toán pháp lệnh.

Đẩy mạnh tăng thu đối với hoạt động thương mại điện tử

Hoạt động thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và chiếm phần tỷ trọng lớn của nền kinh tế, Cục Thuế Thành phố đã triển khai hàng loạt các biện pháp quyết liệt để quản lý hiệu quả đối với hoạt động này: tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử tự giác thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo đúng quy định; phối hợp với các sở, ban ngành trên địa bàn Thành phố; thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa, các doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử đóng trên địa bàn; kiểm tra các công ty đối tác của nhà cung cấp nước ngoài tại Việt Nam. Kết quả trong năm 2023, ước tính tổng số tiền thuế ghi bộ điều chỉnh tăng, truy thu, phạt đối với 5.890 người nộp thuế là hộ kinh doanh có hoạt động bán hàng qua các kênh thương mại điện tử, cá nhân cung cấp dịch vụ, sản phẩm nội dung thông tin số và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử lên đến gần 217,2 tỷ đồng.

Đồng thời, Cục Thuế kiểm soát tốt hoạt động chuyển giá đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Theo đó, trong năm 2023, Cục Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 364 doanh nghiệp, truy thu qua ấn định 492,2 tỷ đồng. Cục Thuế đã điều chỉnh giảm lãi vay vượt mức khống chế quy định là 3.891 tỷ đồng, truy thu 142,3 tỷ đồng.

Trong năm 2023, Cục Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế 375 quyết định hoàn thuế, tương ứng với tổng số tiền thuế đã hoàn là 2.468,5 tỷ đồng, tổng số thuế truy hoàn và phạt sau thanh tra, kiểm tra là 125,3 tỷ đồng.

Bước vào năm 2024 là năm then chốt, có vai trò quyết định trong hoàn thành các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng các cấp đề ra. Đây cũng là năm hướng tới các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng 80 năm Ngày truyền thống ngành thuế Việt Nam (10/9/1945-10/9/2025), 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Cục Thuế đặt mục tiêu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2020-2025 của ngành thuế và góp phần cho chính quyền Thành phố hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế trên địa bàn.

Việc xây dựng các giải pháp trọng tâm của Cục Thuế cũng gắn với việc thực hiện chủ đề của năm 2024 mà chính quyền Thành phố đặt ra, đó là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội”.

Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nam Bình quyết tâm phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN được giao năm 2024

05 nhiệm vụ trọng tâm

Một là, triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp quản lý thu; hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN được Uỷ ban nhân dân Thành phố, Bộ Tài Chính, Tổng cục Thuế giao và các chỉ tiêu nhiệm vụ theo chức năng với nỗ lực cao nhất.

Hai là, thực hiện thắng lợi Chiến lược cải cách hệ thống Thuế đến năm 2030 mà trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử.

Ba là, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đổi mới và đa dạng các hình thức tuyên truyền hỗ trợ, chú trọng cung cấp các dịch vụ thuế điện tử nhằm tạo thuận lợi giảm chi phí và thời gian cho người nộp thuế.

Bốn là, triển khai kịp thời các chính sách thuế mới, các chính sách miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ người nộp thuế nhanh chóng phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu lực trong năm 2024.

Năm là, thực hiện tốt công tác nội ngành; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn cho biết, trong bối cảnh thu NSNN chịu tác động kép từ kinh tế cũng như việc thực hiện các chính sách miễn giảm ngoài dự toán để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu, nhằm tăng thu cho NSNN thì đạt được kết quả như báo cáo là nỗ lực rất lớn và là điểm sáng nổi bật của Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh trong việc thực hiện nhiệm vụ năm 2023. Thay mặt lãnh đạo Tổng cục Thuế, Phó Tổng cục trưởng ghi nhận và biểu dương thành tích vượt qua khó của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã đạt được trong năm 2023.

Năm 2024 dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, Phó Tổng cục trưởng đề nghị Cục Thuế TP Hồ Chí Minh   tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN được giao năm 2024.

Dự toán thu NSNN năm 2024 Quốc hội, Chính phủ giao cho cơ quan thuế là 351.860 tỷ đồng. Trong đó: Thu dầu thô là 17.900 tỷ đồng; Thu nội địa trừ dầu thô là 333.960 tỷ đồng. Trong đó: Tiền sử dụng đất là: 33.960 tỷ đồng; Thu thuế, phí là 289.000 tỷ đồng.

Với tình hình kinh tế thế giới, kinh tế trong nước còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động khó lường, thị trường bất động sản, tài chính, chứng khoán chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi hoàn toàn. Mặc khác, trong bối cảnh dự kiến Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách miễn giảm về thuế, phí nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, dự kiến các chính sách sẽ làm tác động giảm thu ngân sách năm 2024 khoảng 10.477 tỷ đồng (gồm: thực hiện Nghị quyết số 110/2023/QH15 giảm thuế suất thuế GTGT trong 6 tháng đầu năm 2024 dự kiến làm giảm thu khoảng 4.651 tỷ đồng, chủ trương giảm tiếp tục giảm thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 dự kiến khoảng 5.826 tỷ đồng), thì thực hiện dự toán thu ngân sách năm 2024 trên địa bàn Thành phố là rất nặng nề.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng và Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn chụp ảnh cùng ban lãnh đạo Cục TP Hồ Chí Minh

Phó Tổng cục trưởng đề nghị Cục Thuế tổ chức thực hiện và triển khai quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính 7 nhiệm vụ trọng tâm và 10 nhóm giải pháp đã được nêu tại Báo cáo Tổng kết công tác thuế năm 2023; trong đó, cần tiếp tục rà soát, quản lý chặt chẽ nguồn thu trên địa bàn, đặc biệt là các khoản thu liên quan đến đất đai; phát hiện những lĩnh vực thu, nguồn thu, nhóm ngành, lĩnh vực còn tiềm năng, rủi ro để khai thác thu đầy đủ, kịp thời đúng quy định, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN được giao năm 2024 ở mức cao nhất.

Thứ hai, song song với việc tổ chức triển khai thực hiện dự toán thu NSNN thì Cục Thuế cũng cần phải quan tâm đến công tác hỗ trợ người nộp thuế, trả lời, tháo gỡ các vước mắc khi thực hiện các chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế trong việc kê khai, nộp thuế, hoàn thuế… theo đúng tinh thần lấy người nộp thuế làm trung tâm, thụ hưởng các dịch vụ do cơ quan thuế cung cấp.

Bên cạnh đó, cũng cần tuyên truyền, hướng dẫn các chính sách thuế, nhất là các chính sách thuế mới, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người dân và doanh nghiệp để có thêm nguồn lực phục vụ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu, góp phần tăng thu cho NSNN.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra giám sát ở tất cả các khâu trong quá trình quản lý thuế như khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, công tác thanh tra, kiểm tra, công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế gắn đảm bảo đúng quy trình, đầy đủ các bước, đúng thủ tục, đúng quy định của pháp luật.

Hiện nay, ngành thuế cũng đã thể chế hóa, điện tử hóa ở rất nhiều khâu trong công tác quản lý thuế, trong đó đã ứng dụng các bộ tiêu chí trong phân tích, rủi ro trong việc xây dựng, lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra; Áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng và lựa chọn người nộp thuế để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế.

Thứ tư, tăng cường công tác chống thất thu trên các ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao, các DN hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu, các DN được miễn, giảm thuế, DN có hoạt động liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới, chuyển nhượng vốn, thương hiệu, dự án, kinh doanh theo chuỗi…

Chủ động thường xuyên giám sát đối với các doanh nghiệp xuất hóa đơn có dấu hiệu bất thường, phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thuế trong công tác rà soát, cảnh báo các doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn, kịp thời ngăn chặn tình trạng lợi dụng xuất khống hóa đơn điện tử nhằm trục lợi về thuế, trục lợi tiền hoàn thuế, trốn tránh nghĩa vụ thuế đối với NSNN.

Quang cảnh Hội nghị

Hiện nay, Tổng cục cũng đang triển khai nghiên cứu các ứng dụng, những giải pháp xử lý dữ liệu lớn, đưa trí tuệ nhân tạo, số hóa vào trong công tác quản lý thuế và trong công tác kiểm soát về kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, gian lận thuế nhất là đối với công tác giám sát việc sử dụng hóa đơn điện tử nhằm cảnh báo kịp thời đến từng Cục Thuế, từng Chi cục Thuế, từng cán bộ thuế và cả người nộp thuế biết.

Tiếp tục triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền để quản lý doanh thu bán lẻ trong lĩnh vực trực tiếp đến người tiêu dùng (trung tâm thương mại, bán lẻ hàng tiêu dùng, nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc tân dược, dịch vụ vui chơi, giải trí,…) nhằm kiểm soát kịp thời việc sử dụng hóa đơn của hộ kinh doanh, doanh thu người bán, chi phí đầu vào người mua. Triển khai quyết liệt hóa đơn điện tử theo từng lần bán đối với bán lẻ xăng dầu theo Công điện số 1248/CĐ-TTg ngày 01/12/2023 của Thủ tưởng Chính phủ…cùng với đó là phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hóa đơn điện tử theo từng lần bán đối với bán lẻ xăng dầu, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền để tăng thu cho NSNN.

Thứ năm, tăng cường công tác phối hợp quản lý thu thuế, tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương để quản lý thu NSNN một cách toàn diện, nhất là các khoản thu liên quan đến đất đai, tài nguyên khoáng sản và tăng cường công tác chống thất thu NSNN trên các lĩnh vực, ngành nghề nhằm khai thác tăng thu NSNN. Do đó, Cục Thuế cần chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn, tích cực tham mưu, đề xuất cho Chính quyền địa phương trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cho người nộp thuế, cùng với việc phát huy vai trò của Ban chỉ đạo chống thất thu và thu hồi nợ đọng các cấp.

Thứ sau, là tập trung rà soát người nộp thuế thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu toàn cầu để đưa vào quản lý. Ngày 29/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Thành phố với vai trò trung tâm kinh tế lớn, tập trung nhiều tập đoàn kinh tế lớn, nên Cục Thuế cần phải rà soát tất cả người nộp thuế thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu toàn cầu để tổ chức triển khai kịp thời khi các chính sách đã được nội luật hóa đảm bảo quyền thu thuế của Việt Nam, phù hợp với xu thế và chuẩn mực quốc tế nhằm tăng thu NSNN từ phần thu thuế bổ sung và giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

Thứ bảy, tăng cường phân công, phân nhiệm và trách nhiệm của cơ quan thuế, cán bộ công chức thuế trong thực thi nhiệm vụ. Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cần có phương thức quản lý hữu hiệu, tăng cường kiểm soát tiến độ công việc thông qua việc phân công, phân nhiệm ở tất cả các khâu trong công tác quản lý thuế.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính thuế; thực hiện theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến bằng dữ liệu theo thời gian, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đáp ứng được nhiệm vụ công tác hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính trong thời đại 4.0.

Tám là, tiếp tục quán triệt, tăng cường kỷ luật, kỷ cương nội ngành, nâng cao tinh thần trách nhiệm, văn hóa công sở của đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ, đặc biệt là các bộ phận tiếp xúc trực tiếp với người nộp thuế, tránh để xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

Nguồn: https://www.gdt.gov.vn/

Tham gia bình luận:

Contact Me on Zalo
0989938876